More

    Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs

    |

    views

    and

    comments

    Chúng ta luôn tự hỏi những phẩm chất nào tạo nên một nhà lãnh đạo vĩ đại? Một trong các quy tắc đó là dự đoán các vấn đề trong tương lai và sẵn sàng giải quyết chúng, hoàn thiện kỹ năng và luôn đổi mới cùng với một lối tư duy khác biệt. 

    Nếu bạn đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo có phong cách làm việc mang tính cách mạng, người đó chính là Steve Jobs, người tiên phong của công ty thành công nhất thế giới: Apple.

    Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem một số cách mà Steve Jobs đã thực hiện để giành được danh hiệu là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới hiện đại và những bài học mà chúng ta có thể áp dụng phương pháp của ông vào thực tế.

    Điều gì đã khiến Steve Jobs trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời?

    Richard Branson trong bài viết cho The Telegraph đã nhận xét:

    “Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs là chuyên quyền, anh ta có một khả năng quan sát chi tiết những sự việc quanh mình, cùng với một nhóm cộng sự cùng chí hướng làm việc hiệu quả dưới sự dẫn dắt của anh ấy”.

    Jobs là người có sự sáng tạo, sự quan sát tỉ mỉ đến từng chi tiết, điều này là một trong những động lực thúc đẩy sự thành công của Apple. Bên cạnh đó, Steve Jobs còn được biết đến với chủ nghĩa nghệ thuật hoàn hảo, ông ấy luôn làm việc chăm chỉ bằng cả trái tim và dành tất cả tâm trí của mình cho công việc. Tổng giám đốc điều hành của Apple là một doanh nhân được kính trọng và truyền cảm hứng sâu sắc cho các thế hệ doanh nhân rất lâu sau này kể cả khi ông đã qua đời.

    Miễn cưỡng ủy quyền

    Không như nhiều nhà lãnh đạo khác là trao quyền cho nhân viên, Steve Jobs lại có cách quản lý theo một lối đi khác. Ông rất miễn cưỡng ủy quyền cho nhân viên của mình. Ông muốn được đan xen sự quản lý của mình trong những hoạt động của nhân viên để tạo nên một xương sống vững chắc và tránh đi lệch hướng, thúc đẩy công ty tiến lên phía trước và luôn dẫn đầu trên thị trường.

    Một doanh nghiệp phát triển sẽ yêu cầu đầu việc mỗi ngày một nhiều hơn, việc giao nhiệm vụ cho người khác luôn là một điều khó khăn. Steve Jobs cũng vậy, ủy quyền công việc không phải là một lựa chọn ưu tiên của ông, dẫu biết đây là một việc cần thiết ở một công ty có quy mô lớn và liên tục mở rộng. Nhưng ngay cả khi Apple có những đột phá vào năm 1976, Jobs và cách quản lý của ông vẫn ăn sâu vào tâm trí văn hóa công ty như khi nó mới bắt đầu.

    Steve Jobs đã nói:

    “Thật vô nghĩa khi thuê những người thông minh và hướng dẫn họ phải làm gì, chúng tôi thuê những người thông minh để họ cho chúng tôi biết mình cần làm gì”.

    Bài học kinh nghiệm:

    Hẳn nhiên giao việc cho người khác trong công ty là rất quan trọng. Nhưng cho dù bạn là CEO hay quản lý, bạn hãy nhớ rằng bạn cũng đang được trả tiền để làm việc. Ủy quyền là cần thiết nhưng bạn cũng phải có những đầu việc của riêng bạn, trước khi đẩy trách nhiệm công việc xuống cho cá nhân khác.

    Các nhà lãnh đạo thành công nhất trên thế giới đều là những người làm việc chăm chỉ nhất trong lịch sử. Jobs cũng vậy và điều đó khiến ông trở thành người thành công vang dội cho đến ngày nay.

    Sáng tạo chỉ là “kết nối mọi thứ”

    Steve Jobs biết rằng sáng tạo là hành động kết hợp hai ý tưởng khó có thể xảy ra với nhau để tạo thành một điều gì đó mới lạ. Như ông đã nói: “Sự sáng tạo chỉ là kết nối nhiều thứ lại với nhau. Khi bạn hỏi những người sáng tạo về cách họ thực hiện một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy ngượng ngùng một chút vì họ thật sự không làm gì cả. Qua thời gian, những ý tưởng ban đầu dần trở nên rõ ràng hơn mà thôi”.

    Bản thân Jobs đã dành trọn thời gian và tình yêu của mình để sử dụng thư pháp, thiết kế kết hợp với niềm đam mê công nghệ của mình để tạo ra iPhone, là một sản phẩm chủ lực và chất lượng độc nhất của Apple. Ông đã kết hợp các ý tưởng lại với nhau, giải quyết nhu cầu của xã hội và cách mạng hóa toàn bộ ngành công nghiệp.

    Bài học kinh nghiệm:

    Mỗi doanh nghiệp đều có những vấn đề quan trọng cần giải quyết trên cơ sở làm cho người tiêu dùng cảm thấy hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ mà công ty mang lại. Đôi khi việc giải quyết vấn đề đơn giản là kết hợp hai ý tưởng với nhau để tạo ra một cái gì đó độc đáo và là duy nhất. 

    Hoặc có thể lấy một ý tưởng đang hoạt động và làm cho nó hoàn hảo nhất có thể, hay hợp nhất hai khái niệm mới lạ để tạo ra một khái niệm mới mà chưa ai từng thấy. Đó là chìa khóa thành công trong kinh doanh.

    Tìm thấy sự cân bằng giữa việc trao quyền và lãnh đạo bằng tấm gương

    Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs

    Là một nhà lãnh đạo tốt, bạn phải gần gũi với nhân viên. Bạn không nên ngồi sau lưng họ và đưa ra những lời phán xét, chỉ trích, yêu cầu cấp dưới phải hoàn thành tất cả ý tưởng của bạn. Thay vào đó, bạn nên hành động trong công việc, giải quyết các vấn đề phát sinh cùng nhân viên để họ lấy bạn ra làm tấm gương trong việc xử lý các vấn đề trong công ty.

    Đó là việc mà Steven Jobs làm cực kỳ tốt. Ông luôn biết cách đổi mới bản thân và luôn siêng năng, cần mẫn trong công việc của mình.

    Tuy nhiên, cần phải có sự cân bằng trong công ty, bản thân Jobs là một nhà điều hành và là một lãnh đạo nên ông không thể thực hiện tất cả mọi công việc như một nhân viên bình thường. Jobs là một bậc thầy trong việc lãnh đạo bằng cách làm gương cũng như trao quyền và truyền cảm hứng cho cấp dưới của mình để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Mỗi công ty đều có một sứ mệnh và triết lý riêng, mỗi nhân viên trong doanh nghiệp đều phải nắm rõ và thấm nhuần để thúc đẩy nhau cùng tiến về phía trước, với mục tiêu đã rõ ràng. Bằng cách duy trì cách thức làm việc như vậy, Jobs thường xuyên ghé thăm để kiểm tra các nhân viên của mình và đưa ra các ý tưởng mới, cũng như nhắc nhở lại sứ mệnh của Apple lên tất cả cộng sự trong lực lượng lao động của mình.

    Niềm đam mê mãnh liệt của Jobs đã truyền cảm hứng rất lớn đến những người dưới trướng của ông ấy. Đó là chìa khóa cho sự lãnh đạo mang tính cách mạng của Jobs.

    Bài học kinh nghiệm:

    Dù doanh nghiệp của bạn mới bắt đầu hay đã tuyển dụng hàng trăm nhân viên, điều quan trọng là tất cả những thành viên phải nắm rõ sứ mệnh của công ty. Bên cạnh đó, với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn phải tìm cách duy trì mối quan hệ với nhân viên nhất có thể. Tránh điều hành công việc từ xa nếu bạn muốn lực lượng lao động của mình gắn bó và được truyền cảm hứng. Hãy nuôi dưỡng mối quan hệ với các nhân viên chủ chốt và đảm bảo sự hiện diện của bạn trong suốt quá trình tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp.

    Chúng tôi cũng tin rằng các nhà lãnh đạo hay nhân sự cấp cao nên cố gắng duy trì là tấm gương cho nhân viên bằng cách đề xuất các ý tưởng, phản hồi các các câu hỏi và cơ bản là phải dẫn đầu bằng chính ví dụ của bản thân. Đây là một cách thực tế để nhân viên của bạn có động lực đưa ra các ý tưởng tuyệt vời dưới sự tác động của đội ngũ lãnh đạo.

    Giữ các nhà sáng tạo tránh xa các nhà phê bình

    Steve Jobs đã nói: “Tập trung 10 người thông minh vào một căn phòng. Chỉ có một hoặc hai người đưa ra các ý tưởng sáng tạo, khoảng hai người rất giỏi giải quyết vấn đề, phần còn lại là các nhà phê bình. Hãy giữ cho các nhà sáng tạo tránh xa các nhà phê bình”.

    Câu nói này làm sáng tỏ một trong những hệ thống quan trọng mà Jobs đã sử dụng khi giao nhiệm vụ cho các cộng sự của mình khi có một dự án mới. Ông tin rằng, việc sáng tạo đòi hỏi phải qua nhiều bước – cụ thể là lên ý tưởng, giải thích và phân tích phê bình. Mỗi bước đều quan trọng tuy nhiên nên được thực hiện riêng biệt bởi những đội ngũ độc lập khác nhau.

    Nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng lên phạm vi công ty. Chuyên gia sẽ làm tốt việc của chuyên gia, bạn nên tạo ra môi trường mà ở đó các ý tưởng được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ và rõ ràng nhất. Như vậy, tách biệt các nhóm là việc nên làm để họ có thể phát huy được điểm mạnh của mình một cách hoàn hảo.

    Bài học kinh nghiệm:

    Hãy để các nhà sáng tạo ở riêng phòng với các nhà phê bình, việc này sẽ tăng năng suất và phát triển sự đổi mới. 

    Trong trường hợp bạn gặp khó khăn trong việc tách các nhóm phụ trách, hãy cân nhắc sử dụng các phần mềm chuyên dụng, các công cụ hỗ trợ này cho phép chia sẻ các ý tưởng với các nhóm, cá nhân hay các bộ phận cụ thể theo sự quản lý của ban lãnh đạo.

    Tập trung vào chất lượng hơn số lượng

    Khi Steve Jobs đảm nhận chức CEO tạm thời của Apple vào năm 1997, công ty có hơn 350 sản phẩm khác nhau. Rất nhanh chóng, Jobs đã cắt giảm số sản phẩm đó xuống còn 10. 

    Vì sao vậy? Bởi vì vị CEO mới tin rằng nhiều trong số các sản phẩm này đã trở nên quá dư thừa, lỗi thời và quá đắt đỏ để sản xuất hết tất cả chúng. Sản lượng của Apple được sắp xếp hợp lý đáng kể vì Jobs quan điểm rằng Apple sẽ tốt hơn nếu chỉ tập trung vào một số ít dự án kinh doanh hơn là hàng trăm dự án.

    Do đó, nhóm của Jobs đã ưu tiên 10 sản phẩm mà họ tập trung vào cốt lõi, đó chính là máy tính xách tay, máy tính để bàn được thiết kế với chất lượng ấn tượng dành riêng cho các chuyên gia. Điều này hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của Apple, sản phẩm của công ty cực kỳ tối giản nhưng chất lượng của công nghệ và tính thẩm mỹ của thiết kế thì hoàn toàn xuất sắc. 

    Bài học kinh nghiệm:

    Đôi khi chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Thật vậy, việc có quá nhiều sản phẩm trong một công ty có thể tốt cho việc giới thiệu và lựa chọn cho khách hàng nhưng đây không chắc là ý tưởng hay. Để đi đường dài, doanh nghiệp phải có một vài sản phẩm chủ lực và tập trung phát triển nó hoàn thiện, điều này giúp công ty dễ nhận diện hơn trong vô số các công ty cùng ngành. 

    Không ngừng đam mê

    stay hungry stay foolish

    Nếu có một điều chắc chắn để nói về Steve Jobs, đó chính là niềm đam mê không ngừng với đứa con tinh thần của mình – Apple. Ngay cả khi chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy, niềm đam mê của ông đối với Táo khuyết vẫn nguyên vẹn.

    Sự thật là nếu bạn làm một công việc bạn không yêu thích, bạn sẽ mất nhiều thời gian cùng với sự mệt mỏi từ trí óc đến cơ thể. Điều duy nhất mà bạn có thể thay đổi là hãy tìm một công việc mà bạn thật sự yêu thích. Tiền có thể kiếm được dù ít hay nhiều, nhưng nó không bao giờ là lý do mà bạn phải ép mình làm những việc mà mình chưa bao giờ muốn.

    Đã có những thời điểm Apple lao dốc trong kinh doanh. Một số vụ kiện được đệ trình chống lại Táo khuyết lên đến một nghìn tỷ USD. Nếu không có niềm đam mê với công ty, liệu Jobs có dẫn dắt được doanh nghiệp vượt qua được chông gai này?

    Steve Jobs đã nói: “Đôi khi cuộc đời sẽ đập vào đầu bạn bằng một viên gạch. Đừng mất niềm tin. Tôi tin rằng điều duy nhất khiến tôi tiếp tục là vì tình yêu với những gì tôi đã làm. Bạn phải tìm thấy những điều bạn yêu thích. Điều đó đúng với công việc cũng như người yêu của bạn. Công việc chiếm đa số thời gian của bạn nên cách duy nhất để cảm thấy hài lòng là hãy tìm một công việc tuyệt vời mà bạn thật sự đam mê”.

    Bài học kinh nghiệm:

    Khi điều hành một doanh nghiệp, quan trọng là bạn phải đam mê với công việc đó. Nếu không bạn sẽ thấy áp lực và không có đủ sự sẵn sàng khi những khó khăn ập đến, việc sụp đổ chỉ là sớm hay muộn.

    Suy nghĩ không theo lối mòn

    Jobs là một người không tuân theo các nguyên tắc chuẩn mực của xã hội, luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn và đây là yếu tố quan trọng để ông trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới.

    Trong một chiến dịch tiếp thị năm 1997 cho Apple, có tựa đề “Suy nghĩ khác”, Jobs đã viết như sau: “Đây là những kẻ điên rồ, lạc lõng, phản kháng, đầy rắc rối, không theo chuẩn mực xã hội – những người có cách nhìn khác biệt và không ưa luật lệ. Bạn có thể không tán đồng với họ hoặc lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là lờ họ đi vì họ thay đổi nhiều điều, họ thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước”.

    5 yếu tố để Apple trở nên thành công

    Sự thành công mà Apple đạt được từ trước đến nay đều dựa trên cùng một nguyên tắc: sự độc đáo và đầy sự đổi mới. Chúng ta hãy cùng xem xét 5 yếu tố trong số các yếu tố chính làm cho Táo khuyết trở nên đặc biệt trong vô vàn công ty công nghệ trên thế giới hiện nay:

    Giao diện hấp dẫn: Kể từ cuối những năm 1970, Apple đã phát minh ra các sản phẩm mới mẻ và mang đầy phong cách riêng biệt. Giao diện hấp dẫn của Apple làm cho người dùng dễ dàng nhận ra ngay lập tức. Song song đó, kiểu dáng tối giản nhưng sang trọng của nó cũng vuợt trội so với đối thủ cạnh tranh.

    Mô hình kinh doanh năng động: Một yếu tố quan trọng mang đến sự thành công của Táo khuyết chính là mô hình kinh doanh cực kỳ năng động của hãng. Apple liên tục mở rộng dịch vụ của mình trên cơ sở làm hài lòng trải nghiệm của khách hàng.

    Thương hiệu: Từ các sản phẩm, phần mềm cho đến trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng Apple, công ty đều thiết kế để mọi thứ bạn trải qua đều gắn liền với thương hiệu của hãng. Thương hiệu độc đáo đã làm cho Táo khuyết trở nên nổi bật từ khi ra đời từ năm 1976 cho đến ngày nay.

    Sẵn sàng hợp tác: Năm 1997, Apple đã làm một việc chưa từng có trong môi trường kinh doanh. Hãng đã hợp tác với đối thủ lớn nhất của mình là Microsoft để đảm bảo một thỏa thuận trị giá 150 triệu USD. Như Jobs đã nói: “Chúng ta phải buông bỏ quan niệm thắng – thua”, một thái độ mà ít doanh nhân thời ấy sẵn sàng áp dụng và việc sẵn sàng hợp tác đã đưa Apple lên một tầm cao mới.

    Tạo cơ hội việc làm: Những năm qua, Apple đã nỗ lực tạo ra nhiều cơ hội việc làm khác nhau trên toàn thế giới. Khoảng 2 triệu việc làm đã được tạo ra bởi hãng. Nhân viên có thể đến từ các nước Châu Á, Châu Phi với các nhà phát triển ứng dụng đến từ các nhạc sĩ, nhà sử học hoặc nghệ sĩ.

    Bài học kinh nghiệm:

    Khi bạn bắt đầu, hãy để suy nghĩ của mình vượt ra khỏi khuôn khổ và chuẩn mực là điều cần thiết để tạo nên sự thành công. Apple từ lâu đã nổi tiếng vì sẵn sàng lật đổ các chuẩn mực công nghệ và mở ra những con đường mới trong bối cảnh kỹ thuật số.

    Kết

    Từ việc sẵn sàng suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ cho đến niềm đam mê sâu sắc dành cho công ty của mình, Steve Jobs cho thấy những nỗ lực phi thường và phong cách lãnh đạo mang tính cách mạng của ông đã truyền cảm hứng cho những người theo sau. Chúng ta có thể học được một lượng kiến thức tuyệt vời từ tư duy cũng như cách thức lãnh đạo của ông để áp dụng vào công việc mà chúng ta đang theo đuổi.

    Chúng ta tạm kết ở đây với một trích dẫn từ Jobs: “Mọi thứ xung quanh bạn, điều bạn gọi là cuộc sống, được tạo nên bởi những người không thông minh hơn bạn và bạn có thể thay đổi nó. Bạn có khả năng xây dựng những thứ của riêng mình”.

    Nguồn: Ideadrop

    Đánh Giá
    Share this
    Tags

    Bài viết ngẫu nhiên

    Ung thư bàng quang là gì? Những điều nam giới cần biết

    Ung thư bàng quang là một loại ung thư phổ biến bắt đầu trong các tế bào của bàng quang. Bàng quang là một...

    love you to the moon and back

    Mỗi ngày, trái tim tạo ra một lượng năng lượng đủ để một chiếc xe tải đi 20 dặm. Trong suốt cuộc đời, quãng...

    Tính khí thế nào, tương lai thế ấy

    Tính khí của bạn, tiềm ẩn tài vận của bạnKhu dân cư vừa mở thêm một siêu thị mới.Thời gian đầu, vì tiện lợi...

    Bài viết mới

    Cùng chuyên mục